Hệ thống điện tử Hayabusa (lớp tàu tuần tra)

Bên trong phòng điều khiển của tàu JS Otaka (PG-826).

Tàu tuần tra lớp Hayabusa được trang bị hệ thống định hướng chiến đấu OYQ-8B. Hệ thống định hướng chiến đấu OYQ-8B bao gồm hệ thống máy tính điều khiển AN/UYK-44 và máy trạm AN/UYQ-21. Máy tính AN/UYK-44 nhỏ hơn nhưng vượt trội hơn rất nhiều so với AN/UYK-20 thế hệ trước. Các máy tính trung tâm với tốc độ xử lý dữ liệu khoảng 10 Mbit/giây sẽ tự động tính toán, đánh giá dữ liệu về mục tiêu và phân bố đến các hệ thống vũ khí. Hệ thống OYQ-8B cho phép Hayabusa đối phó hiệu quả với các mục tiêu, đặc biệt là các mục tiêu dưới nước.

Ngoài khả năng hoạt động trên Link 11 như OYQ-8, điều mà hệ thống OYQ-5 và UYK-20 trước đó không thể làm được, OYQ-8B còn được kết nối dữ liệu với Hệ thống hỗ trợ chỉ huy và kiểm soát của Lực lượng Tác chiến Hàng hải (MOF), cho phép các tàu lớp Hayabusa có thể trao đổi với các tàu chiến khác cũng như các máy bay chiến đấu và các lực lượng mặt đất của JSDF các dữ liệu dạng hình ảnh, tọa độ mục tiêu và tin nhắn dạng văn bản ở cấp chiến thuật trong thời gian gần với thời gian thực. Qua đó giúp tăng cường khả năng tấn công và phòng thủ của tàu.

Tàu còn được trang bị radar định vị nhận dạng và theo dõi mục tiêu mặt nước OPS-18-3, radar chuyển hướng, dẫn đường OPS-20 hoạt động ở băng tần I (8 đến 10GHz), radar điều khiển hỏa lực FCS-2-31C dùng để đẫn bắn tên lửa chống hạm SSM-1B Type 90 và hệ thống theo dõi và giám sát hồng ngoại OAX-2. Hệ thống thông tin liên lạc trên tàu được kết nối với vệ tinh Superbird B2 thông qua hệ thống liên lạc vệ tinh NORA-1C lắp phía sau bột buồm của tàu. Hệ thống còn có thể cung cấp hai kênh thoại kỹ thuật số.

Phương thức "bảo vệ mềm" (soft-kill) của Hayabusa bao gồm hệ thống chiến tranh điện tử NOLR-9B ESM và hệ thống mồi bẫy Mk-137 SRBOC (2 giá x18-ống phóng). Hệ thống chiến tranh điện tử NOLR-9B ESM dùng để dò tìm tín hiệu vô tuyến phát từ radar tàu và tên lửa đối phương, đồng thời phát tín hiệu gây nhiễu làm nhiễu đầu dò radar của tên lửa chống hạm, khiến chúng bám theo các mục tiêu ảo hoặc giảm tầm hiệu quả của đầu dò, cho phép tàu tránh được tên lửa. Hệ thống Mk-137 SRBOC thường kết hợp với hệ thống chiến tranh điện tử NOLR-9B ESM. Cơ chế hoạt động của nó là phóng ra các rocket thả lá nhôm, tạo ra mục tiêu giả, gây nhầm lẫn cho đầu dò của tên lửa đang hướng đến.[1][2]

  • JS Hayabusa (PG-824) kích hoạt hệ thống phóng mồi bẫy Mk-137.
  • Radar điều khiển hỏa lực FCS-2-31C
  • Hệ thống chiến tranh điện tử NOLR-9B
  • Hệ thống liên lạc vệ tinh NORA-1C
  • Radar định vị nhận dạng và theo dõi mục tiêu mặt nước OPS-18-3
  • Radar chuyển hướng, dẫn đường OPS-20

Liên quan